[Giải đáp] Những công việc chính của Quản trị Marketing là gì?
Th12 28, 2023
09:49:50
Quản trị Marketing bao gồm các công việc như hoạch định chiến lược, tổ chức các hoạt động Marketing và đánh giá hiệu quả Marketing. Vậy cụ thể những công việc chính của Quản trị Marketing là gì, cách thức thực hiện chi tiết ra sao? Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi những thông tin trong bài viết dưới đây!
Quản trị Marketing là quá trình tổ chức, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát các hoạt động marketing của một tổ chức. Quá trình này bao gồm việc: nghiên cứu thị trường, phát triển chiến lược tiếp thị, quảng cáo và các hoạt động khác để xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng.
1. Nhóm công việc Hoạch định trong Quản trị Marketing
Xây dựng chiến lược, thiết lập mục tiêu Marketing và lập kế hoạch tăng trưởng dài hạn là những công việc thuộc nhóm Hoạch định trong Quản trị Marketing.
1.1. Xây dựng chiến lược Marketing
Trước tiên xây dựng chiến lược Marketing sẽ bao gồm việc lập kế hoạch, xác định các hướng đi chiến lược để quảng bá và tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu cho doanh nghiệp.
Để xây dựng chiến lược và chiến dịch Marketing, nhà quản trị cần tiến hành nghiên cứu thị trường, phân tích tâm lý khách hàng để hiểu rõ về nhu cầu và hành vi của khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh để có góc nhìn toàn diện, xác định lợi thế cạnh tranh của mình. Sau đó dựa vào kết quả đã được nghiên cứu và phân tích, nhà quản trị Marketing sẽ xác định chiến lược Marketing cho công ty.
Sinh viên khi theo học Chương trình Cử nhân Digital & Social Media Marketing tại BUV sẽ được học môn Quản lý Marketing chiến lược nhằm nâng cao các kỹ năng giúp doanh nghiệp cập nhật, đổi mới và phát triển trên từng bước tiến nhỏ, đồng thời cũng học cách giảm thiểu những hậu quả cho tổ chức với những thay đổi ở quy mô lớn.
1.2. Thiết lập mục tiêu Marketing
Thiết lập mục tiêu Marketing là việc xác định những gì mà doanh nghiệp muốn đạt được thông qua hoạt động Marketing. Mục tiêu có thể là tăng doanh số bán hàng, tăng nhận thức thương hiệu hay mở rộng thị trường.
Nhà quản trị Marketing cần thiết lập mục tiêu Marketing dựa trên nghiên cứu và phân tích về thị trường, khách hàng mục tiêu cũng như đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu cần phù hợp với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, cụ thể và có thể đo lường. Chẳng hạn như: tăng doanh số bán hàng 30% trong 3 tháng, tăng độ nhận diện của thương hiệu 20% so với tháng trước,…
Để thiết lập mục tiêu Marketing hiệu quả, nhà quản trị Marketing cần có một số kỹ năng quan trọng như phân tích, nghiên cứu, đo lường và đánh giá,…
1.3. Lập kế hoạch tăng trưởng dài hạn
Bên cạnh việc thiết lập mục tiêu Marketing, xây dựng chiến lược và chiến dịch, nhà quản trị Marketing cũng cần lập kế hoạch tăng trưởng dài hạn nhằm giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững cho công ty.
Để lập kế hoạch tăng trưởng dài hạn, nhà quản trị Marketing phải có tầm nhìn xa trong một mốc thời gian nhất định để đặt mục tiêu phát triển, sau đó chia nhỏ mục tiêu qua từng thời điểm và thực hiện các chiến lược để duy trì việc doanh nghiệp phát triển bền vững không chỉ qua doanh thu mà còn qua cả thương hiệu.
Nhà quản trị Marketing cần có các kỹ năng như: phân tích và tư duy chiến lược, quản lý dự án, phân tích dữ liệu, dự đoán biến động của thị trường,… mới có thể lập kế hoạch tăng trưởng dài hạn hiệu quả.
2. Nhóm công việc Tổ chức trong Quản trị Marketing
Dưới đây là các công việc thuộc nhóm Tổ chức trong Quản trị Marketing:
2.1. Quản lý và phân bổ nhiệm vụ cho nhân viên Marketing
Sau khi lập các kế hoạch Marketing, nhà quản trị Marketing cần xác định, phân chia và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong đội ngũ Marketing để đảm bảo công việc được triển khai hiệu quả.
Để phân công nhiệm vụ hợp lý, người quản lý trước tiên cần nắm rõ mục tiêu Marketing, xác định năng lực của từng nhân viên. Sau đó cần định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm cho từng thành viên, bao gồm mục tiêu cụ thể, kế hoạch thực hiện, thời hạn hoàn thành và các chỉ số hiệu suất cần đạt được. Ngoài ra, người phân công nhiệm vụ cần cung cấp các tài nguyên như ngân sách, công cụ hỗ trợ,… cho nhân viên.
2.2. Thử nghiệm và phát triển chiến dịch Marketing
Thử nghiệm và phát triển chiến dịch Marketing là quá trình thử, kiểm tra, đánh giá và cải tiến các chiến dịch Marketing. Mục tiêu của công việc này là tăng cường hiệu quả của chiến dịch và tối ưu hóa kết quả.
Dựa trên các mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, đội ngũ Marketing sẽ chạy chiến dịch ban đầu để tiếp cận và tương tác với khách hàng. Các chiến dịch này có thể bao gồm quảng cáo, truyền thông,… Sau đó, họ sẽ thu thập dữ liệu và phân tích kết quả chiến dịch. Dữ liệu này sẽ giúp nhà quản trị Marketing đánh giá hiệu quả của chiến dịch và xác định các điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đề xuất các cải tiến và điều chỉnh cho các chiến dịch phía sau.
Công việc thử nghiệm và phát triển chiến dịch Marketing đòi hỏi đội người làm phải biết cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và đưa ra những phân tích chính xác. Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm cũng rất quan trọng để đảm bảo sự hợp tác và trao đổi thông tin hiệu quả.
2.3. Xây dựng quan hệ với khách hàng và thu thập phản hồi
Xây dựng quan hệ với khách hàng và thu thập phản hồi là một trong những những công việc chính của Quản trị Marketing. Đây là quá trình tạo, duy trì mối quan hệ với khách hàng và thu thập thông tin, phản hồi để nhận ý kiến và góp ý, nhằm cải thiện sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Xây dựng quan hệ với khách hàng bao gồm việc tạo điểm tiếp xúc và tương tác với khách hàng thông qua các kênh giao tiếp như email, điện thoại, mạng xã hội hoặc gặp gỡ trực tiếp. Đồng thời, việc thu thập phản hồi từ khách hàng sẽ được thực hiện qua khảo sát, hội thảo, cuộc trò chuyện cá nhân hoặc việc theo dõi và phân tích phản hồi trên các kênh truyền thông xã hội.
Sinh viên tại BUV khi học chương trình Quản trị Marketing sẽ được học môn Marketing trải nghiệm, Hành vi người tiêu dùng và Chiến lược xây dựng trải nghiệm khách hàng. Những môn học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để hiểu, phân tích và áp dụng các nguyên lý và phương pháp giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong từng giai đoạn của hành trình mua sắm.
3. Nhóm công việc Lãnh đạo trong Quản trị Marketing
Nhóm Lãnh đạo trong Quản trị Marketing bao gồm các công việc sau:
3.1. Hướng dẫn, đào tạo nhân viên Marketing
Nhà Quản trị Marketing là những người sẽ hướng dẫn, đào tạo nhân viên qua các buổi đào tạo trực tiếp, hội thảo, khóa học trực tuyến, cung cấp tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ trong công việc hàng ngày,… Trong quá trình đào tạo, nhà quản trị sẽ theo dõi tiến trình và đánh giá hiệu quả, thu thập phản hồi từ nhân viên để đảm bảo chương trình đáp ứng được nhu cầu của họ.
Công việc này đòi hỏi nhà quản trị Marketing cần trau dồi kỹ năng đánh giá, giao tiếp và truyền đạt thông tin, khả năng ra quyết định và quản lý tốt.
3.2. Tạo động lực cho nhân viên
Tạo động lực cho nhân viên là quá trình người lãnh đạo/quản lý Marketing thúc đẩy và duy trì sự đam mê, năng lượng của nhân viên. Quá trình này sẽ giúp nhân viên làm việc hiệu quả, gắn bó lâu dài, đạt được mục tiêu của tổ chức.
Người quản trị có thể thực hiện một số công việc để thúc đẩy động lực: hiểu và đáp ứng nhu cầu của từng nhân viên, hỗ trợ, cung cấp phản hồi tích cực và công nhận thành tích của họ, tạo điều kiện làm việc thuận lợi, xây dựng một môi trường làm việc tích cực và tạo cơ hội cho sự phát triển cá nhân,..
Để tạo và gia tăng động lực cho nhân viên, bên cạnh chuyên môn tốt, nhà quản trị Marketing cần có kỹ năng tương tác, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe, thấu hiểu, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng tới những người xung quanh,…
>>> Trước khi tìm hiểu những công việc chính của Quản trị Marketing là gì, bạn cần biết điểm chuẩn ngành Quản trị Marketing để định hướng con đường học tập và lựa chọn trường phù hợp cho mình.
4. Nhóm công việc Kiểm tra trong Quản trị Marketing
Theo dõi, giám sát hiệu suất, đánh giá hiệu quả Marketing là những công việc thuộc nhóm Kiểm tra trong Quản trị Marketing.
4.1. Theo dõi, giám sát hiệu suất chiến dịch Marketing
Theo dõi và giám sát hiệu suất chiến dịch Marketing là việc đánh giá kết quả của các hoạt động Marketing nhằm phân tích dữ liệu và liên tục tối ưu chiến dịch. Quá trình này bao gồm cả việc sử dụng các công cụ và phương pháp để theo dõi, thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau.
Nhà quản trị Marketing cần có sự kiên trì, hiểu biết về các phương pháp đo lường hiệu quả Marketing, những công cụ và phần mềm đo lường dữ liệu.
Khi theo học chương trình Quản trị Marketing tại BUV, sinh viên sẽ được học môn Phương pháp đo lường thành công nhằm giúp nâng cao kỹ năng đánh giá, đo lường hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
4.2. Đánh giá hiệu quả Marketing
Sau khi theo dõi kết quả, giám sát hiệu suất chiến dịch, nhà quản trị Marketing sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả để so sánh với mục tiêu đã đề ra, xác định mặt tốt và chưa tốt để tối ưu, cải thiện cho các chiến lược sau này.
Công việc đánh giá hiệu quả Marketing đòi hỏi người làm phải có sự hiểu biết về các phương pháp đo lường, công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, khả năng đánh giá và suy luận từ dữ liệu. Đồng thời, kỹ năng tạo báo cáo và trình bày thông tin cũng rất quan trọng trong nhóm công việc này.
Như vậy, bài viết đã giải đáp thắc mắc những công việc chính của Quản trị Marketing là gì? cho những người mong muốn theo đuổi ngành nghề này. Quản trị Marketing là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau, sinh viên nên chủ động tìm hiểu để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi chọn ngành hoặc làm nghề. Nếu có bất cứ thắc mắc nào khác hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm về chương trình Cử nhân Quản Marketing tại BUV, độc giả vui lòng liên hệ đến số hotline +84 96 662 9909 hoặc email sr@buv.edu.vn để được tư vấn cụ thể!
Xem thêm bài viết liên quan: