6 chuyên ngành phổ biến trong Kinh doanh Quốc tế hiện nay
Th7 24, 2024
00:44:11
Kinh doanh Quốc tế là ngành học chuyên sâu về các hoạt động kinh doanh trong phạm vi toàn cầu, kết hợp cùng các kiến thức bổ trợ về văn hóa, ngoại ngữ, thị trường quốc tế,… Vậy Kinh doanh Quốc tế gồm những chuyên ngành nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ thông tin chi tiết về 6 chuyên ngành thuộc Kinh doanh Quốc tế, giúp sinh viên dễ dàng định hướng và chọn lựa.
1. Chi tiết 6 chuyên ngành của Kinh doanh Quốc tế
Về cơ bản, Kinh doanh Quốc tế gồm 6 chuyên ngành: Xuất nhập khẩu, Logistics, Marketing, Kinh doanh, Quản trị công ty đa quốc gia và Chiến lược Ngoại thương…
1.1. Chuyên ngành xuất nhập khẩu
Chuyên ngành xuất nhập khẩu cung cấp cho sinh viên các kiến thức để quản lý và kiểm soát mọi hoạt động trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Trong đó, xuất khẩu (Export) là quá trình phân phối hàng hóa, sản phẩm nội địa tới các quốc gia khác trên thế giới nhằm tạo ra thu nhập từ thị trường nước ngoài. Ngược lại, nhập khẩu (Import) là quá trình mua hàng hóa, dịch vụ từ quốc gia khác về tiêu dùng tại quốc nội.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, lĩnh vực xuất nhập khẩu hiện nay ngày càng đóng vai trò quan trọng, được xem như động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Hoạt động xuất khẩu vững mạnh giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của thương mại quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế toàn cầu.
Cơ hội nghề nghiệp:
- Nhân viên kinh doanh xuất khẩu
- Nhân viên thu mua hàng nhập khẩu
- Nhân viên chứng từ
- Nhân viên hiện trường/giao nhận
- Nhân viên hải quan
- …
1.2. Chuyên ngành Logistic
Chuyên ngành Logistic tập trung vào khâu trung gian như quản lý lưu trữ hàng hóa và tối ưu quy trình vận chuyển từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc trong chuỗi cung ứng. Logistic không chỉ bao gồm vận chuyển mà còn đảm nhiệm các vai trò chủ chốt như quản lý kho, dự trữ, đóng gói, xử lý hàng hóa.
Các vấn đề nghiên cứu trong ngành Logistic có nhiều điểm tương đồng với xuất nhập khẩu. Sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ có khả năng tổ chức, lập kế hoạch tốt, sẵn sàng làm việc nhóm, nhanh nhạy và quyết đoán trong quá trình xử lý vấn đề. Một số môn học bắt buộc của chuyên ngành này giúp sinh viên xây dựng nền tảng học thuật có thể kể đến như: chiến lược Quản lý Chuỗi cung ứng, Phân tích và Thiết kế Chuỗi cung ứng, kênh phân phối và lưu trữ, hệ thống thông tin kinh doanh…
Cơ hội nghề nghiệp:
- Chuyên viên thu mua
- Nhân viên vận hành kho
- Nhân viên hiện trường
- Chuyên viên thanh toán quốc tế
- Nhân viên cảng
- Nhân viên chăm sóc khách hàng
- …
1.3. Chuyên ngành Marketing
Hiệp hội Tiếp thị Hoa Kỳ – AMA định nghĩa Marketing hiện đại như sau: “Marketing là các hoạt động, bộ máy tổ chức, và những tiến trình để tạo ra, giao tiếp, phân phối và trao đổi các sản phẩm có giá trị tới khách hàng, đối tác và xã hội nói chung.”. Đây là khái niệm được sử dụng phổ biến trong giáo trình chuyên ngành Marketing tại các trường đại học hiện nay.
Sinh viên theo học chuyên ngành này được tiếp cận về Marketing và hoạt động kinh doanh dưới nhiều góc độ mới mẻ. Hệ thống kiến thức Marketing hiện đại bao gồm các khía cạnh như nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, thiết kế các sản phẩm dịch vụ phù hợp, định giá sản phẩm, tổ chức phân phối hiệu quả, quảng bá thương hiệu, truyền thông thương hiệu, thiết kế trải nghiệm khách hàng,…
Marketing phù hợp với những sinh viên có khả năng sáng tạo mạnh mẽ, sẵn sàng đổi mới, linh hoạt. Các môn học thuộc chuyên ngành Marketing cung cấp cho học viên các kiến thức nền tảng về hành vi người tiêu dùng, chiến lược sản phẩm, chiến lược giá và phân phối, quảng cáo và khuyến mại,…
Cơ hội nghề nghiệp:
- Nhân viên sáng tạo nội dung
- Chuyên viên nghiên cứu thị trường
- Biên tập viên
- Nhân viên tổ chức sự kiện
- Nhân viên tiếp thị và truyền thông
- Kỹ thuật viên quảng cáo
- Nhân viên quan hệ công chúng
- Nhân viên Digital Marketing
- …
1.4. Chuyên ngành Kinh doanh
Chuyên ngành kinh doanh nghiên cứu về các hoạt động thương mại, bao gồm sản xuất, mua bán, trao đổi các loại hàng hóa dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ bản chất của nền kinh tế, nắm chắc các phương pháp kinh doanh, chiến lược cạnh tranh hiệu quả.
Ngoài ra chuyên ngành cũng định hướng, dẫn dắt sinh viên xây dựng tư duy về một môi trường kinh doanh lành mạnh, luôn quan tâm và nỗ lực tạo dựng giá trị cho khách hàng, cộng đồng. Sự phát triển kinh doanh cá nhân phải gắn với sự phát triển bền vững của xã hội. Điều này sinh viên sẽ được học tại các môn học như đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp.
Cơ hội nghề nghiệp:
- Nhân viên kinh doanh
- Tư vấn quản lý kinh doanh
- Quản lý dự án
- Khởi nghiệp
- Chuyên viên xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh
- Giám sát kinh doanh
- Trợ lý kinh doanh
- …
>>> Tham khảo thêm: Kinh doanh quốc tế và Quản trị Kinh doanh có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt đáng kể, đặc biệt trong định hướng chuyên ngành và cơ hội nghề nghiệp. Để hiểu rõ hơn các bạn có thể tham khảo bài viết “Phân biệt Kinh doanh Quốc tế và Quản trị Kinh doanh” để có sựa lựa chọn phù hợp với mình.
1.5. Chuyên ngành Quản trị Tài chính công ty đa quốc gia
Chuyên ngành Quản trị Tài chính công ty đa quốc gia tập trung vào việc quản lý tài chính và tài sản của các công ty hoạt động trên quy mô toàn cầu. Cụ thể, chuyên ngành này thường bao gồm các nội dung như phân tích tài chính, quản lý rủi ro tài chính, quản lý vốn, quản lý đầu tư, và chiến lược tài chính toàn cầu.
Sinh viên học chuyên ngành này sẽ được trang bị kiến thức vững chắc về các khía cạnh của tài chính doanh nghiệp đa quốc gia, bao gồm cả các yếu tố pháp lý, thuế và luật pháp liên quan đến hoạt động kinh doanh trên quy mô quốc tế.
Cơ hội nghề nghiệp:
- Chuyên viên tài chính công ty đa quốc gia
- Nhà phân tích tài chính quốc tế
- Chuyên viên quản lý rủi ro tài chính
- Chuyên viên tư vấn tài chính quốc tế
- …
1.6. Chuyên ngành Chiến lược Ngoại thương
Chuyên ngành này nghiên cứu, đặt trọng tâm kiến thức vào xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ quản trị xuất nhập khẩu và giao dịch quốc tế. Sinh viên được dạy về kiến thức kinh doanh, thương lượng, đàm phán, tổ chức ký kết, quản lý các hợp đồng đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, logistic và phương thức vận tải.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ năng lực làm việc tại công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài, công ty xuất nhập khẩu, hãng dịch vụ vận tải, bộ phận kinh doanh quốc tế, bộ phận tín dụng quốc tế của ngân hàng. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm, sinh viên có thể thăng tiến lên các vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao trong các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.
Cơ hội nghề nghiệp:
- Nhân viên kinh doanh
- Nhân viên chứng từ
- Nhân viên hải quan
- Nhân viên xuất nhập khẩu
- Chuyên viên thanh toán quốc tế
- Quản lý dự án
- …
2. Chuyên ngành tương đương với Kinh doanh Quốc tế tại BUV
Hiện nay, BUV chưa chính thức đào tạo ngành Kinh doanh Quốc tế. Học viên có thể tham khảo chương trình cử nhân tương đương là Quản trị Kinh doanh Quốc tế. Cả hai ngành học có điểm tương đồng là đều tập trung nghiên cứu các hoạt động kinh doanh mở rộng phạm vị toàn cầu, cung cấp cho sinh viên kiến thức về thị trường, tình hình văn hóa, pháp lý nói chung trên thế giới. Tuy nhiên Quản trị Kinh doanh Quốc tế sẽ đào sâu về các kỹ năng quản lý, lãnh đạo, tư duy chiến lược để thực hiện thành công các kế hoạch kinh doanh cá nhân trong tương lai.
Chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại BUV:
- Số năm đào tạo: 3 năm
- Đơn vị cấp bằng: Đại học Staffordshire
- Các môn học cơ bản: Kinh tế học cho nhà quản lý, quản trị nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và kho vận toàn cầu, dữ liệu lớn, quản trị đa văn hóa, nhà lãnh đạo đích thực
- Học phí 2024:
Học phí | Chi phí khác* | Tổng phí | |
Chương trình Nhập môn Chuyên ngành | 83.840.000 VND | 14.690.000 VND | 98.530.000 VND |
Chương trình Cử nhân | 687.780.000 VND | 171.978.000 VND | 859.758.000 VND |
*Chi phí khác: Phí học liệu và Phí Công tác sinh viên
- Yêu cầu đầu ra: Học viên đạt chuẩn đầu ra khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiến thức, sự hiểu biết và khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Cấu trúc chương trình học thuật tại BUV căn cứ tiêu chuẩn QAA – Cơ quan Đảm bảo chất lượng Giáo dục Đại học Anh Quốc. Bên cạnh việc học kiến thức chuyên môn, sinh viên Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại BUV cũng được đào tạo để phát triển kỹ năng làm việc thông qua chương trình PSG. Chương trình tập trung vào 4 lĩnh vực cốt lõi là hành trang công việc và sự nghiệp, kỹ năng lãnh đạo và kết nối, năng lực xã hội văn hóa và cảm xúc, bổ trợ và nâng cao năng lực học tập. Sinh viên nắm rõ các yêu cầu đầu ra từ sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất trong suốt quá trình học.
- Cơ hội nghề nghiệp: Chương trình thực tập và mạng lưới 500+ đối tác của BUV tạo cơ hội cho học viên trau dồi kinh nghiệm trong suốt quá trình học. Học viên được tự do phát triển sự nghiệp theo định hướng cá nhân, dưới sự hỗ trợ của BUV về hồ sơ năng lực và cơ hội làm việc ngay sau khi ra trường. Sinh viên tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh Quốc tế tự tin đảm nhận các vị trí công việc mang tính quốc tế như: Quản lý Kinh doanh Quốc tế, Chuyên viên Kinh doanh, Chuyên viên Phân tích và Quản lý sản phẩm, Chuyên viên Kiểm soát Chất lượng Xuất khẩu,…
Như vậy, trên đây là 6 chuyên ngành thuộc Kinh tế Quốc tế mà sinh viên có thể xem xét khi đứng trước lựa chọn ngành học tương lai cho mình. Nếu sinh viên cần tư vấn thêm về chương trình Quản trị Kinh doanh Quốc tế của BUV và các vấn đề giáo dục khác có thể liên hệ đến số hotline 0247.770.0909 hoặc email sr@buv.edu.vn hay gửi tin nhắn vào Zalo BUV để được hỗ trợ nhanh chóng!