ICCIT 2023: BUV thể hiện sự cam kết không ngừng đối với Đổi mới Sáng tạo
Th9 29, 2023
11:24:52
Vào ngày 11/8 vừa qua, Trường Đại học Anh Quốc tại Việt Nam (BUV) đã tổ chức Hội nghị quốc gia lần đầu mang tên “Đổi mới và Thách thức trong Lĩnh vực Tin học và Công nghệ Sáng tạo cho Tương lai Bền vững” (Innovation and Challenges in Computing and Innovative Technologies for a Sustainable Future – ICCIT 2023), một diễn đàn toàn quốc dành cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên. Hội thảo này thể hiện rõ cam kết của BUV đối với sự hợp tác để đổi mới sáng tạo không ngừng.
ICCIT 2023 có sự góp mặt của 32 nhà nghiên cứu đầu ngành và tạo ra một tác động sâu sắc đối với người tham dự. Với chủ đề tập trung vào “Đổi mới và Thách thức trong Lĩnh vực Khoa học Máy tính và Công nghệ Sáng tạo cho Tương lai Bền vững”, ICCIT 2023 trở thành một diễn đàn sôi nổi, nơi hơn 42 bài báo học thuật đã được thảo luận. Các bài báo trải rộng các chủ đề từ các lĩnh vực như Công nghệ Đám mây, An ninh Mạng, Trò chơi, Trí tuệ Nhân tạo và Máy học đến những cuộc thảo luận về việc thực hiện Cách mạng Công nghiệp Lần thứ Tư tại Việt Nam.
Giáo sư Rick Bennett, Phó Hiệu trưởng BUV, chia sẻ tầm nhìn của trường đại học trong việc trở thành cơ sở giáo dục hàng đầu về đổi mới: “Trong thời đại hiện nay, khi công nghệ thay đổi với tốc độ nhanh chóng, chúng ta không chỉ đơn giản là nỗ lực để đổi mới, mà còn phải đổi mới với mục đích cụ thể. Tại BUV, chúng tôi tin vào việc tạo dựng văn hóa đặt nghiên cứu và đổi mới lên hàng đầu, không chỉ để mở rộng giới hạn của công nghệ, mà còn để giải quyết các thách thức thực tế trong cuộc sống. ICCIT 2023 là một minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm của chúng tôi trong việc xây dựng một tương lai bền vững bằng công nghệ và tinh thần hợp tác phát triển.”
ICCIT 2023 bắt đầu với bài thuyết trình chính của ông Vũ Minh Trí (Giám đốc Điều hành tại ASIM), nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, đồng thời nhấn mạnh khoảng cách giữa kỳ vọng toàn cầu và thực tế mà giới học thuật phải đối diện trong nghiên cứu công nghệ. Tiến sĩ Lê Anh Ngọc (Giám đốc tại Swinburne Innovation Space) cũng đã có một bài phát biểu đi sâu vào tiềm năng của Internet Vạn Vật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Điểm nhấn của Hội thảo là sự tham gia của 32 nhà nghiên cứu và học giả từ khắp Việt Nam và trong khu vực. Tại đây, họ đã trình bày và thảo luận hơn 40 nghiên cứu tâm huyết và đa dạng trong các lĩnh vực riêng của họ. Đáng chú ý, giảng viên và sinh viên của BUV cũng là những người đóng góp tích cực, chia sẻ ý tưởng nghiên cứu đổi mới và sáng tạo của riêng mình.
Tiến sĩ Anchit Bijalwan, Giảng viên cấp cao tại BUV và Chủ tịch Chương trình của ICCIT, chia sẻ, “ICCIT 2023 đã thành công trong việc hiện thực hóa tuyên bố nhiệm vụ của BUV về việc phát triển kỹ năng đa ngành, phương pháp học sáng tạo và đổi mới, cũng như phát triển một tương lai bền vững”.
ICCIT 2023 đã thành công rực rỡ với tổng cộng hơn 60 người tham dự, trở thành cầu nối cho những người đam mê lĩnh vực tin học và công nghệ sáng tạo. Hội nghị đã khuyến khích sự trao đổi đa chiều, thúc đẩy nghiên cứu hợp tác và đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với ICCIT, BUV nhấn mạnh cam kết đạt được những cột mốc đáng kể hơn nữa, góp phần vào một tương lai sáng và bền vững hơn cho tất cả mọi người.
ICCIT 2023 dự kiến sẽ tiếp tục được tổ chức vào năm sau, mở ra thêm môi trường hợp tác trao đổi vì đổi mới sáng tạo. Để biết thêm chi tiết về các hoạt động nghiên cứu tại BUV, vui lòng liên hệ Tiến sĩ Mike Perkins (Email: mike.p@buv.edu.vn), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển.