Giảng viên trường Đại học Anh Quốc Việt Nam: ‘Đừng ngại thử và thất bại’
Th5 17, 2021
17:03:00
Đạt giải Nhất tại cuộc thi nhiếp ảnh chuyên nghiệp thế giới, Mark Hamilton Gruchy, giảng dạy tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam khuyên sinh viên đừng ở trong vòng an toàn.
Hồi tháng 4 vừa qua, ông Mark Hamilton Gruchy đã đạt giải Nhất hạng mục Sáng tạo tại cuộc thi Sony World Photography Award 2021 với tác phẩm The Moon Revisited (tạm dịch Thăm lại mặt trăng). Hiện tại, ông đứng lớp Nhiếp ảnh thuộc chuyên ngành Ứng dụng sáng tạo đương đại (Contemporary Creative Practice- CCP) tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV).
Trao đổi với VnExpress, ông chia sẻ bí quyết tạo ra những tác phẩm để đời, cách nuôi dưỡng đam mê, tiếp thêm niềm tin cho các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật, nhiếp ảnh, và thiết kế sáng tạo.
– Từ ý tưởng nào ông thực hiện tác phẩm “Thăm lại mặt trăng”?
– Tôi hứng thú với vũ trụ và hàng không, và quyết định làm một tác phẩm khác biệt, chưa ai nghĩ tới. Điểm nhấn cho 23 bức ảnh là tính siêu thực. Phong cảnh mặt trăng làm bối cảnh xuyên suốt cho những chất liệu từ trái đất như hoạt động cắm trại, bowling, lon cà chua, trạm đổ xăng, và cả virus Corona. Ánh sáng và góc máy tạo cảm giác huyền ảo, dẫn dắt người xem vào thế giới khoa học viễn tưởng.
Mặt trăng là thế giới tĩnh, dường như bất biến, và tôi tương phản đặc điểm đó với những chuyển biến trên trái đất qua thời gian. Chủ thể trong mỗi ảnh luân chuyển từ những tham chiếu nghiêm túc về chiến tranh, môi trường và biến đổi khí hậu, cho tới những hình ảnh “châm chọc” như trong bức ảnh một phi hành gia bưng virus Corona.
Tôi muốn người xem suy nghĩ, đồng thời châm biếm các thuyết âm mưu. Những phi hành gia trong bộ ảnh là đại diện vô danh của nhân loại, và những hành vi của họ trên mặt trăng không khác gì trái đất. Bộ ảnh cũng truyền tải thông điệp của tôi: con người chúng ta dường như hành xử như nhiều năm trước, dù cho chúng ta nghĩ mình đã học hỏi từ quá khứ. Tôi muốn mọi người suy ngẫm nhiều hơn về vấn đề này, để có hành động tích cực với trái đất hơn. Phi hành gia bưng virus Corona – một trong 23 bức ảnh thuộc bộ tác phẩm The Moon Revisited. Ảnh: Mark Hamilton Gruchy.
– Khó khăn lớn nhất khi hoàn thành tác phẩm là gì?
– Ý tưởng cho bức ảnh là điều khó nhất. Sau khi ra được ý tưởng, bức ảnh thường mất vài ngày để sản xuất. Đôi khi tôi nhìn lại trong một vài tháng để chỉnh sửa một số lỗi. Cả dự án gồm 23 bức ảnh được thực hiện trong 18 tháng.
Những hình ảnh mặt trăng là bản scan miễn phí bản quyền từ NASA mà tôi xử lý trong Photoshop trước khi tích hợp. Tôi chọn những hình ảnh có chiều sâu không gian, phù hợp với mô hình trong phần mềm 3D, rồi thêm những kết cấu và chất liệu để tăng tính thực tế. Ánh sáng và góc máy ảo được dùng để mô phỏng tương đương với ảnh nguyên bản. Bức ảnh sau đó mới được xuất ra thành một tệp Photoshop để tôi thực hiện những tùy chỉnh cuối cùng.
– Cảm xúc của ông khi thắng giải Nhất hạng mục Sáng tạo của Sony World Photography Award?
– Tôi biết đến giải thưởng Sony trong nhiều năm. Tôi dự triển lãm của họ vài lần ở London và xem nó như một trong những cuộc thi tốt nhất trên thế giới cho các nhiếp ảnh gia. Tôi từng lọt vào vòng trong của các giải trước đây, nhưng lần này là trọng đại nhất. Tôi vô cùng phấn khích khi tác phẩm của mình được công nhận bởi ban giám khảo của giải thưởng Sony – điều mà bất cứ một nhiếp ảnh gia nào cũng mong mỏi.
Điều đáng tiếc là tôi không thể triển lãm tác phẩm của mình với tư cách là người thắng giải Sony World Photography. Đa số người xem chỉ tương tác với tác phẩm của tôi qua gallery (phòng trưng bày) ảo, trên trang web hoặc qua báo chí. Khi mọi thứ êm xuôi, dịch bệnh qua đi, tôi chắc chắn sẽ tổ chức triển lãm tác phẩm này ở Việt Nam, để người xem “cảm” được tính nghệ thuật, thông điệp ẩn chứa trong từng đường nét, chủ thể của bức ảnh, trải nghiệm sẽ chân thật hơn nhiều. Bức ảnh dùng các lon súp cà chua Campbell để tham chiếu cố nghệ sĩ Andy Warhol và phong trào nghệ thuật đại chúng (Pop art). Ảnh: Mark Hamilton Gruchy.
– Là giảng viên tại BUV, đồng thời theo đuổi lĩnh vực nhiếp ảnh, ông cân bằng công việc và sở thích cá nhân thế nào?
– Việc cân bằng chưa bao giờ khó khăn đối với tôi vì việc giảng dạy, nhiếp ảnh và sở thích cá nhân bổ trợ cho nhau. Trong nhiều năm, tôi đã đứng lớp đại học một hoặc hai buổi mỗi tuần và làm việc tự do trong phần thời gian còn lại. Việc dạy giúp tôi cập nhật kiến thức và thực hành chuyên nghiệp để nắm bắt xu hướng, phương thức đương đại.
Tôi đã công tác ở BUV 16 tháng. Sinh viên ở đây nói ít nhất 2 ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh, nên việc giảng dạy không quá phức tạp. Một trong những khó khăn cho sinh viên khi thích nghi trong môi trường học tập về nghệ thuật và thiết kế là các em phải xem mình như nghệ sĩ, phải tự nghĩ ra ý tưởng. Vai trò của giảng viên là hướng dẫn các em phát huy lối suy nghĩ của bản thân. Dù hơi bỡ ngỡ với trách nhiệm mới mẻ này, đa phần các sinh viên đón nhận thử thách rất tốt.
– Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ứng dụng sáng tạo này?
– Đối với tôi, việc học quan trọng nhất cho sinh viên mới vào ngành là hiểu được tầm quan trọng của nghiên cứu và áp dụng thế nào để trở thành một nghệ sĩ hay nhà thiết kế hiệu quả.
Lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo có nhiều triển vọng phát triển ở Việt Nam. Hiện nay thị trường lao động tại Việt Nam cũng có rất nhiều nghề nghiệp phù hợp cho các bạn sinh viên học ngành nghệ thuật, thiết kế vì nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở ngành này ngày càng tăng. Tôi cũng khuyến khích sinh viên nghiên cứu cả thị trường quốc tế vì ngành này rất được ưa chuộng ở nhiều nước và giờ mọi thứ đã dễ tiếp cận hơn nhiều.
– Người học ngành này cần lưu tâm điều gì để chạm đến thành công?
– Để thành công trong việc sáng tác hình ảnh, làm ra các thiết kế sáng tạo, phải luôn thử nghiệm. Đừng ngại thử và thậm chí đối mặt thất bại. Nếu chọn nằm trong vùng an toàn, chỉ làm ra những hình ảnh và thiết kế mà người khác vẫn đang làm, tức bạn sẽ chẳng bao giờ thử thách giới hạn của mình và mắc kẹt trong những công việc nhàm chán như một người sao chép, không đổi mới. Bạn phải thử thách chính mình; nếu không, bạn sẽ không thể tỏa sáng. Ông Mark Hamilton Gruchy hướng dẫn sinh viên thao tác dùng đèn studio trong lớp Nhiếp ảnh ở trường BUV. Ảnh: BUV.
– Những dự định của ông trong thời gian tới?
– Như nhiều người khác sống ở Việt Nam, tôi cảm thấy may mắn khi dịch bệnh được xử lý rất tốt. Việt Nam bị ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn nhiều nơi khác trên thế giới, nên công việc của tôi không bị ảnh hưởng mấy. Tôi vẫn có thể đi ra ngoài chụp hình tự do và thoải mái. Hiện tại, tôi giảng dạy tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) và dự định làm tiếp một dự án kết nối với bộ ảnh “Thăm lại mặt trăng”, tên là “Earthbound” (tạm dịch Về trái đất).
Sony World Photography Award (Giải thưởng Nhiếp ảnh Quốc tế Sony) là một trong những giải thưởng quan trọng hàng năm của lĩnh vực nhiếp ảnh trên toàn cầu. Các hạng mục trong cuộc thi tạo tiếng nói quốc tế cho nhiếp ảnh và cho thấy góc nhìn chuyên sâu vào những tác phẩm đương đại ngày nay.
Nhiếp ảnh gia – nghệ sĩ thị giác Mark Hamilton Gruchy tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Mỹ Thuật (Fine Art)- Đại học Portsmouth, Anh Quốc và Thạc sỹ chuyên ngành Hoạt hình kỹ thuật số (Digital Animation)- Khoa Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế- Trường Đại học London Metropolitan, Anh Quốc. Ông từng thực hiện nhiều triển lãm tại London, tham gia và vào vòng chung kết hoặc trở thành người thắng cuộc tại nhiều giải thưởng danh giá về Nhiếp ảnh hay tại các Liên hoan phim.
Theo VNExpress