
Giảng viên BUV chia sẻ góc nhìn chuyên gia về chiến lược dữ liệu và tương lai của ngân hàng thông minh tại World Financial Innovation Series 2025
Th4 25, 2025
10:15:21
Cùng góp mặt với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Quang Vinh – giảng viên Khoa Khoa học Máy tính & Công nghệ của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) – đã mang đến những chia sẻ sâu sắc về văn hoá dữ liệu định hình tương lai ngành ngân hàng, đồng thời khơi gợi nhiều thảo luận quan trọng xoay quanh tác động của công nghệ sinh trắc học đến trải nghiệm người dùng.
Diễn ra vào ngày 15–16 tháng 4 năm 2025 tại Hà Nội, hội nghị World Financial Innovation Series 2025 (WFIS 2025) đã quy tụ hơn 500 lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm và tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam. Sự kiện được đồng tổ chức bởi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tradepass, với chủ đề “Đổi mới công tác tài chính tại Việt Nam”, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng cũng như khuyến khích hợp tác, tạo ra một hệ sinh thái Fintech bền vững tại Việt Nam.

World Financial Innovation Series 2025 quy tụ hơn 500 lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh.
Hưởng ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hầu hết các ngân hàng thương mại đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng đến người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, những chia sẻ của Tiến sĩ Đặng Quang Vinh – không chỉ với tư cách là giảng viên Khoa Khoa học Máy tính & Công nghệ tại BUV mà còn là Giám đốc AI của TymeX – đã mang đến góc nhìn thực tiễn về cách tích hợp công nghệ mới một cách hiệu quả để tối ưu vận hành, cũng như các tác động của chuyển đổi số đến trải nghiệm khách hàng và vấn đề bảo mật dữ liệu.
Xác thực sinh trắc học và an ninh mạng: Cần sự cân bằng giữa đổi mới và bảo mật
Tại phiên thảo luận có tiêu đề Sinh trắc học: Bảo vệ ngân hàng Việt trước làn sóng Deepfake, dưới sự chủ trì của TS. Đặng Quang Vinh, các chuyên gia từ HSBC và Standard Chartered đã cùng trao đổi về một trong những thách thức cấp bách nhất hiện nay: Làm sao để ứng dụng công nghệ sinh trắc học và AI mà vẫn đảm bảo an toàn dữ liệu và giữ vững niềm tin từ khách hàng?

TS. Đặng Quang Vinh (ngoài cùng bên phải) trong phiên thảo luận về “Sinh trắc học: Bảo vệ ngân hang Việt trước làn sóng Deepfake”.
Các diễn giả thống nhất rằng sự phát triển của công nghệ xác thực sinh trắc học như nhận diện khuôn mặt, quét vân tay… đã mở ra nhiều khả năng thay thế các phương pháp lỗi thời như OTP hay mật khẩu, đem lại trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của AI và công nghệ deepfake, các hệ thống xác thực sinh trắc học đang đối mặt với nguy cơ bị giả mạo, gây rủi ro lớn cho an ninh hệ thống. Thêm vào đó, khung pháp lý hiện hành tại Việt Nam vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, gây ra nhiều lúng túng trong việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ và xoá dữ liệu sinh trắc học.
Dưới sự điều phối của TS. Vinh, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận các giải pháp ứng phó để đảm bảo cả yếu tố bảo mật và trải nghiệm người dùng.
Ông Phil Wright, Giám đốc Điều hành tại HSBC chia sẻ: “Một nghiên cứu của Dartmouth cảnh báo rằng đến năm 2026, gần 30% tổ chức có thể mất niềm tin vào sinh trắc học do deepfake. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh – bảo mật sinh trắc học không phải là giải pháp làm một lần là xong, mà đòi hỏi sự đổi mới liên tục và hợp tác bền vững. Các ngân hàng cần chia sẻ dữ liệu về xu hướng gian lận và cùng nhau ứng phó.”

Ông Phil Wright, Giám đốc Vận hành tại HSBC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tiến liên tục trong phát triển sinh trắc học.
Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh, Giám đốc Công nghệ & Vận hành tại Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết: “Để thành công với sinh trắc học, công nghệ không phải là yếu tố duy nhất, mà chúng ta còn phải xem xét đến nhận diện, dữ liệu và quyền riêng tư. Các ngân hàng toàn cầu hoạt động ở nhiều thị trường khác nhau, vì vậy không thể có một công thức chung. Do đó, sự phối hợp giữa ngân hàng, nhà cung cấp, hiệp hội ngành và cơ quan quản lý là cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ và khả năng chống gian lận.”
Xây dựng văn hóa dữ liệu để thúc đẩy ngân hàng thông minh
Trong phiên thảo luận có tiêu đề Ngân hàng thông minh: Tận dụng dữ liệu lớn để tối ưu hóa vận hành, TS. Vinh đã chia sẻ những chiến lược dữ liệu giúp các tổ chức tài chính nâng cao hiệu suất.
Ông nhấn mạnh: “Để xây dựng được văn hoá dữ liệu vững chắc, cần áp dụng chiến lược hai chiều. Từ dưới lên là những thay đổi nhỏ nhưng mang lại giá trị rõ ràng – những ‘quick wins’ để người dùng thấy ngay lợi ích của công nghệ. Từ trên xuống là cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo để định hướng rõ ràng và thúc đẩy triển khai đồng bộ. Khi hai hướng đi này cùng hoạt động, tổ chức mới có thể thiết lập được văn hoá dữ liệu bền vững.”

TS. Đặng Quang Vinh chia sẻ chiến lược thúc đẩy văn hóa dữ liệu trong các tổ chức tài chính.
Cùng với những bước tiến của công nghệ, việc xây dựng tư duy dữ liệu trong tổ chức tài chính được các đại biểu tại hội nghị đánh giá là yếu tố then chốt.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc khối ngân hàng số MBBANK chia sẻ: “Khi tiếp xúc với AI lần đầu, nhiều người thường có cảm giác lo sợ sẽ bị thay thế. Nhưng AI và dữ liệu không còn là điều mới lạ – chúng đã trở thành tiêu chuẩn mới. Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm sao để kết hợp hiệu quả giữa AI, tự động hóa và năng lực con người.”
Kết thúc WFIS 2025, sự tham gia của TS. Đặng Quang Vinh từ BUV đã một lần nữa khẳng định vai trò ngày càng lớn của nhà trường trong hệ sinh thái đổi mới tài chính tại Việt Nam. Bằng việc đóng góp tri thức học thuật vào các cuộc thảo luận về ngân hàng thông minh và chiến lược dữ liệu, BUV đang từng bước kết nối học thuật với thực tiễn ngành, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm fintech hàng đầu châu Á.
