BUV tổ chức hội thảo về sức khỏe tâm thần: Kết nối chuyên gia và Gen Z vì sức khỏe thế hệ tương lai
Th11 10, 2024
14:47:49
Ngày 1/11 vừa qua, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã tổ chức hội nghị sức khỏe tâm thần đầu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho giới trẻ. Sự kiện này đã quy tụ hơn 100 chuyên gia và khách mời trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, nhằm khám phá các mô hình thực tiễn, thách thức hiện tại và chiến lược nhằm tạo ra một môi trường hỗ trợ cho thế hệ Z và Alpha.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học: Đa dạng cách làm, chung một mục tiêu
Các thực hành chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các môi trường giáo dục khác nhau đều hướng đến một mục tiêu chung: tạo ra một môi trường an toàn, hòa nhập để học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.
Bà Vân Anh, Chuyên gia Tư vấn Tâm lý Sinh viên tại BUV, chia sẻ, BUV triển khai mô hình hỗ trợ theo cấp độ để đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Đội ngũ tại BUV khuyến khích hướng tiếp cận chủ động, cởi mở đối với sức khỏe tâm thần thông qua những hoạt động như hệ thống hỗ trợ đồng đẳng, với mô hình từ Đại học London, với sự tham gia của các sinh viên đã được đào tạo để hỗ trợ bạn bè của mình.
Tương tự, bà Tô Thị Hoan, Chuyên gia Tâm lý học tại trường phổ thông liên cấp Olympia, đã chia sẻ về mô hình can thiệp đa tầng, được lấy cảm hứng từ Hiệp hội Tâm lý Học đường Quốc gia Hoa Kỳ. Mô hình của Olympia đảm bảo rằng tất cả học sinh đều được tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe tâm thần qua các hoạt động, sự kiện toàn trường, chương trình hỗ trợ trực tiếp cho những học sinh có nguy cơ cao hơn và can thiệp cá nhân hóa cho học sinh có nhu cầu phức tạp.
Cần cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho Gen Z tại Việt Nam
BUV và Olympia chỉ là hai trong rất ít các trường học đang triển khai hiệu quả các mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên. Trước những nỗ lực để đảm bảo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, “Mỗi trường một chuyên viên tâm lý”, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức lớn trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho Gen Z.
TS. Phạm Thị Hồng Phương từ Đại học Đại Nam nhấn mạnh rằng nhận thức về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng học sinh và gia đình còn hạn chế; mặt khác, các trường thường gặp khó khăn tài chính và thiếu hụt các nhà tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản. Nhiều học sinh gặp khó khăn do định kiến hoặc thiếu kiến thức về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong khi các trường đại học thường đối mặt với hạn chế về nguồn lực để cung cấp dịch vụ thích hợp.
TS. Nguyễn Hạnh Liên từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chỉ ra tỷ lệ căng thẳng, lo âu và trầm cảm cao ở học sinh thành thị đang ở mức đáng quan tâm, nếu không được can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến gia tăng tỷ lệ tự tử. Bà nhấn mạnh, nhà trường có vai trò đặc biệt trong việc tạo ra môi trường hỗ trợ tinh thần cho học sinh, sinh viên, mặc dù hạn chế về nhận thức và nguồn lực vẫn là những trở ngại lớn.
TS. Nguyễn Thị Chính từ Viện Tâm lý đã chia sẻ về các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, ước tính có 26% học sinh đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần từ mức trung bình đến nghiêm trọng. Những vấn đề như sử dụng chất kích thích, nghiện game, và tự hại ngày càng tăng cho thấy nhu cầu về các chiến lược phòng ngừa và can thiệp mang tính tôn trọng và có trách nhiệm với các học sinh này.
Hợp tác là chìa khóa cho chăm sóc sức khỏe tâm thần
Hội nghị mở ra những thảo luận kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và các tổ chức chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhằm củng cố mạng lưới hỗ trợ xung quanh mỗi học sinh, bao gồm nhà trường, gia đình và cộng đồng. PGS. TS. Phạm Mạnh Hà từ Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của can thiệp sớm, khung pháp lý và các chiến lược bền vững để đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần có trách nhiệm và dễ tiếp cận cho học sinh, sinh viên.
Bác sĩ Hoàng Tú Anh, người sáng lập Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, đã chia sẻ về các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần khác từ Hà Lan và Hoa Kỳ, nơi hệ thống hỗ trợ học sinh, sinh viên vẫn diễn ra bài bản dù không có chuyên viên tham vấn tại từng trường. Cô cũng cho rằng quá trình tìm kiếm một nhà tham vấn phù hợp sẽ là một thách thức và việc có một mạng lưới hỗ trợ kiên trì và ủng hộ là vô cùng cần thiết.
Nói về sự kiện, GS. Rick Bennett, Phó Hiệu trưởng BUV, chia sẻ, “Tại BUV, chúng tôi cam kết thúc đẩy sự tôn trọng, sự đồng cảm và ý thức xã hội trong sinh viên của mình. Có thể thấy bốn giá trị cốt lõi của chúng tôi – Tử tế & Tôn trọng, Hợp tác & Đổi mới, Bền vững & Trách nhiệm, và Học tập trọn đời – đều được phản ánh và hội tụ trong hội thảo này.”
Hội thảo về sức khỏe tâm thần của BUV đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu sức khỏe tâm thần của giới trẻ, mở đường cho những dự án hợp tác đầy triển vọng, nâng cao nhận thức và kêu gọi phân bổ tài nguyên cho việc chăm sóc sức khỏe cho Gen Z. Đây cũng là nỗ lực của BUV trong việc đào tạo ra một thế hệ trẻ bền bỉ, sẵn sàng đón đầu những thách thức của cuộc sống. Thông qua hội thảo và xây dựng nền tảng của mạng lưới hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại Hà Nội, BUV hy vọng truyền cảm hứng cho các sáng kiến tương tự trên toàn Việt Nam và xa hơn nữa.