BUV được Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn làm đối tác đào tạo, đề cao tinh thần học tập trọn đời
Th1 21, 2025
09:01:56
Tinh thần học tập trọn đời không chỉ là giá trị cốt lõi trong giáo dục, mà còn là chìa khóa giúp nâng cao năng lực lãnh đạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần thúc sự phát triển bền vững của giáo dục nước nhà.
Chiến lược giáo dục đáp ứng kỷ nguyên toàn cầu hóa
Trong những năm qua, nền giáo dục Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận, đặc biệt là sự chú trọng đến việc phát triển tinh thần học tập trọn đời (lifelong learning). Đây không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành một phương pháp quan trọng nhằm xây dựng nền giáo dục phát triển bền vững, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân sự ngày càng cao của kỷ nguyên toàn cầu hóa và chuyển đổi số.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động này, Chính phủ đã phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Một xã hội học tập đang được thúc đẩy với các hình thức học tập linh hoạt, từ học chính quy đến học qua các nền tảng trực tuyến, với các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện. Người học không phân biệt tuổi tác, địa vị hay hoàn cảnh sống.
Học tập trọn đời gắn liền với ảnh hưởng thực tiễn
Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) tiên phong dẫn dắt tinh thần học tập trọn đời và triết lý giáo dục Tạo ảnh hưởng thực tiễn (Purpose-based impact learning – PBIL) ngay từ khi thành lập. Phương pháp này không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn chú trọng vào việc phát triển các kỹ năng thực tế, giúp người học sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong công việc và cuộc sống.
Triết lý PBIL khuyến khích sinh viên và học viên không chỉ học tập trong khuôn khổ bài giảng, mà còn thực hành và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Qua đó, người học được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường lao động toàn cầu, và tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xã hội.
Tinh thần học tập trọn đời tại BUV không chỉ hướng tới sinh viên, mà còn lan tỏa tới các cá nhân trong xã hội thông qua đa dạng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn như đào tạo học sinh cấp 2, cấp 3, các khóa đào tạo chuyên sâu cho giáo viên các cấp, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo chính phủ…
Mới đây nhất, trong khuôn khổ hợp tác giữa BUV và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chương trình bồi dưỡng cán bộ dành cho hơn 1.000 lãnh đạo các đơn vị giáo dục đã được tổ chức, nhấn mạnh cam kết của BUV trong việc hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và nâng cao năng lực lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục, qua đó góp phần thúc đẩy nền giáo dục đổi mới, sáng tạo và bền vững tại Việt Nam.
Hướng tới phát triển giáo dục bền vững
Chương trình bồi dưỡng cho lãnh đạo các đơn vị giáo dục tại Hà Nội, từ mầm non đến trung học phổ thông, nhằm nâng cao năng lực quản lý và phát triển kỹ năng lãnh đạo trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Tại lễ khai giảng khóa bồi dưỡng, TS. Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình, mong muốn các học viên tiếp thu và ứng dụng hiệu quả những kiến thức và phương pháp giảng dạy hiện đại từ các thầy cô, chuyên gia trong và ngoài nước, qua đó góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục Thủ đô.
Chương trình đào tạo được chia thành bốn chủ đề trọng tâm với nội dung thực tiễn và ứng dụng cao. Các học viên sẽ được đào tạo về “Quản lý nhân sự hướng tới tự chủ và sáng tạo”, với mục tiêu xây dựng môi trường làm việc linh hoạt, sáng tạo thông qua nghiên cứu và vận dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới như Montessori và High Tech High vào bối cảnh giáo dục và điều kiện trường học Việt Nam.
Chủ đề “Mô hình lãnh đạo giảng dạy và ứng dụng kinh nghiệm quốc tế” sẽ giúp học viên học hỏi các phương pháp lãnh đạo phân quyền và chuyển đổi từ những trường học nổi tiếng trên thế giới, như Vantaa Elementary School (Phần Lan) và Poughkeepsie Day School (Mỹ).
“Phát triển kỹ năng quản lý nhà trường trong thời đại chuyển đổi số” trang bị cho học viên kiến thức về các công nghệ mới trong quản lý và giảng dạy, từ nền tảng học trực tuyến đến các công cụ quản lý dữ liệu.
Chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, đánh giá và xếp loại học sinh” giúp học viên sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ hiện đại trong việc thiết kế bài giảng và đánh giá năng lực học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả đánh giá chất lượng học tập.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Trường Học viện Quản lý Giáo dục, nhấn mạnh mục tiêu của chuỗi chương trình đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Giáo dục có năng lực chuyên môn cao, thúc đẩy chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong giáo dục.
Ông James McMillan, Đại diện nhóm giảng viên và chuyên gia đào tạo của BUV, đã phát biểu về sự quan trọng của khóa bồi dưỡng này trong việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số. “Với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và phương pháp giảng dạy hiện đại, khóa học không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn chú trọng vào việc áp dụng thực tiễn, giúp các cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô phát triển khả năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề trong môi trường kinh tế và giáo dục đầy biến động”, ông James McMillan nhấn mạnh.
Chương trình bồi dưỡng thể hiện cam kết chung trong việc xây dựng một nền giáo dục tiên tiến và bền vững, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Đây là một phần trong các hoạt động thường niên mà BUV đã phối hợp tổ chức với các cơ quan bộ ban ngành trong nhiều năm qua, nhấn mạnh tinh thần học tập trọn đời và nỗ lực không ngừng để xây dựng một nền giáo dục vững mạnh, đáp ứng được những yêu cầu và thách thức trong kỷ nguyên mới.