Digital Marketing bao gồm những gì? 9 hình thức và các chỉ số đo lường phổ biến
Th11 04, 2024
02:57:06
Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số) là quá trình quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua các kênh kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu. Vậy cụ thể, Digital Marketing bao gồm những gì? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá 9 hình thức tiếp thị kỹ thuật số phổ biến và các chỉ số đo lường quan trọng, giúp bạn hiểu rõ hơn về cách tận dụng Digital Marketing để tạo ra giá trị thiết thực.
1. 9 hình thức phổ biến trong Digital marketing
Những hoạt động Digital Marketing chủ yếu sẽ bao gồm 9 hình thức phổ biến dưới đây:
1.1. Influencer Marketing
Influencer Marketing là hình thức tiếp thị thông qua những người có sức ảnh hưởng (influencers) trên mạng xã hội. Vai trò chính của Influencer Marketing là xây dựng lòng tin với khách hàng thông qua các nội dung được Influencers chia sẻ. Influencers có thể là những người nổi tiếng, blogger, hoặc những cá nhân có lượng theo dõi lớn và uy tín trong một lĩnh vực nhất định.
Kỹ năng cần có: Influencer Marketing yêu cầu một loạt kỹ năng đặc biệt để thực hiện các chiến dịch tiếp thị hiệu quả thông qua người có tầm ảnh hưởng như: kỹ năng nghiên cứu và đánh giá, kỹ năng giao tiếp và đàm phán, kỹ năng sáng tạo nội dung, kỹ năng quản lý chiến dịch, theo dõi và đo lường hiệu quả…
Chỉ số đo lường: Đánh giá hiệu quả của chiến lược Influencer Marketing, bạn có thể sử dụng các chỉ số như:
- Reach (Phạm vi tiếp cận)
- Engagement (Tương tác)
- Conversion Rate (Tỷ lệ chuyển đổi)
- Click-Through Rate (CTR – Tỷ lệ nhấp chuột)
- Return on Investment (ROI – Lợi tức đầu tư)
- Brand Mentions (Lượt nhắc đến thương hiệu)
- Follower Growth (Tăng trưởng người theo dõi)
- v.v.
Case Study:
Sức mạnh của việc sử dụng Influencer Marketing đã được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch “Mượt mà lành tính phải chọn Thái Dương” của dầu gội dược liệu Thái Dương. Sau khi đã xác định đúng nhóm đối tượng mục là nữ giới có độ tuổi từ 18 – 40, Thái Dương đã lựa chọn 3 influencer nhận được nhiều cảm tình từ giới trẻ như Bùi Công Nam, Ngọc Phước và chị Cano. Với 3 nhân vật trên, Thái Dương đã xây dựng TVC xoay quanh đúng nhu cầu, nỗi đau của khách hàng.
Kết quả truyền thông của chiến dịch “Mượt mà lành tính phải chọn Thái Dương” đã chứng minh bước đó là một chiến dịch “phá băng” khi thu về những con số đáng kể. Cụ thể, các hoạt động nhận được tổng 288.000 lượt tương tác, chỉ số cảm xúc thương hiệu tăng từ 0.62/1 lên đến 0.95/1. MV “Ai rảnh đâu buồn” đã đạt được tổng 230.000 lượt views tại hai kênh Bùi Công Nam và Chị Cano Official… Chiến dịch đạt được tổng 24 triệu lượt tiếp cận trên các nền tảng Digital Marketing.
1.2. Content Marketing
Content Marketing là chiến lược tiếp thị tập trung vào việc tạo ra và phân phối nội dung (blog, video, hình ảnh,…) trên các kênh đa phương tiện có giá trị, liên quan, và nhất quán nhằm thu hút và giữ chân một đối tượng mục tiêu rõ ràng, từ đó thúc đẩy hành vi khách hàng có lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, mục tiêu của Content Marketing cũng bao gồm xây dựng niềm tin, uy tín cho thương hiệu, cuối cùng mới là thúc đẩy hành vi khách hàng như mua sản phẩm hoặc dịch vụ
Kỹ năng cần có: Content Marketing cần đến một số kỹ năng quan trọng như: kỹ năng nghiên cứu và khai thác thông tin, kỹ năng viết và biên tập, kỹ năng quản lý dự án,…
Chỉ số đo lường: Để đo lường hiệu quả của việc triển khai content, bạn có thể sử dụng những chỉ số như tổng lưu lượng truy cập website (Overall Traffic), thời gian truy cập (Time on Page), tỷ lệ thoát (Bounce rate), giá trị trang (Page Values), tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate),… Đối với các kênh social, chỉ số đo lường còn bao gồm reach, impressions, engagement, share of voice,…
Case Study:
Năm 2019, L’Oréal Paris đã triển khai thành công chiến dịch “The Non-Issue” – đập tan nỗi sợ trở nên “vô hình” của nữ giới trong giai đoạn tuổi 30. Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công này đến từ chiến lược content phù hợp. L’Oreal đã kết hợp với tạp chí British Vogue để gia tăng độ nhận diện, nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ nhiều trang báo điện tử. Bên cạnh đó, L’Oreal cũng triển khai kế hoạch content marketing trên nền tảng social nhằm lan tỏa hiệu ứng tốt hơn.
Kết quả, thương hiệu đã gia tăng lượt tiếp cận organic lên đến 19 triệu người trên những nền tảng internet, có đến 90% lượt nhắc đến L’Oreal Paris theo chiều hướng tích cực.
1.3. Email Marketing
Email Marketing là hình thức sử dụng email chứa nội dung có giá trị về giới thiệu sản phẩm, tiếp thị bán hàng đến tệp khách hàng tiềm năng. Email Marketing phân loại, cá nhân hóa người nhận, xác định khách hàng mục tiêu đã được tìm hiểu kỹ lưỡng và gửi thông tin có giá trị nên không khiến người nhận cảm thấy khó chịu. Đồng thời, điều đó giúp thông điệp giá trị, hữu ích hơn.
Kỹ năng cần có: Một Email Marketer cần có những kỹ năng tư duy chiến lược, quản lý danh sách và phân đoạn khách hàng, khả năng viết lách tốt,…
Chỉ số đo lường: Để đánh giá hiệu quả của một chiến lược sử dụng Email Marketing, bạn có thể quan tâm đến các chỉ số như tỷ lệ gửi (Delivered Rated), tỷ lệ mở (Open rate), tỷ lệ nhấp (Click-through-rate), tỷ lệ gia tăng danh sách (List Growth Rate),…
Trong các loại Email Marketing, Email sale là loại được sử dụng phổ biến hơn cả. Các doanh nghiệp thường ứng dụng email sale giống một công cụ bán hàng nhằm tăng khả năng chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng trung thành. Chẳng hạn, những trung tâm giáo dục, đào tạo qua các khóa học như Elsa Speak gửi mail nhằm thông báo ưu đãi khóa học hay những thông tin liên quan đến lịch khai giảng, Duolingo có thể thành công với email marketing khi nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng qua nội dung hữu ích, gần gũi để cập nhật về khóa học hoặc thành tích học tập của người dùng, giúp tăng mức độ tương tác và giữ chân khách hàng.
1.4. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)
SEO (Search Engine Optimization) là quá trình tối ưu hóa trang web và nội dung để cải thiện thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm như Google. Mục tiêu của SEO là làm cho trang web của doanh nghiệp xuất hiện cao hơn trong kết quả tìm kiếm tự nhiên (organic search results), từ đó tăng lưu lượng truy cập, nâng cao nhận thức về thương hiệu, và thu hút khách hàng tiềm năng.
Kỹ năng cần có: Để hoàn thành tốt các dự án SEO, bạn nên trang bị đầy đủ kỹ năng nghiên cứu, phân tích thị trường, đối thủ; khả năng viết lách tốt, am hiểu các công cụ làm SEO, nắm rõ thuật toán của công cụ tìm kiếm…
Chỉ số đo lường:
- Keyword Rankings (Vị trí xếp hạng từ khóa)
- Organic Traffic (Lượng truy cập từ tìm kiếm)
- Click-Through Rate (CTR) (Tỷ lệ nhấp chuột)
- Impressions (Số lần hiển thị)
- Time on Page (Thời gian trên trang)
- Conversion Rate (Tỷ lệ chuyển đổi)
- Bounce Rate (Tỷ lệ thoát)
- Backlink Quality and Quantity (Chất lượng và số lượng backlink)
- Page Speed (Tốc độ tải trang)
- v.v.
Case Study:
Hiệu quả đáng kể mà SEO mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến việc triển khai thành công của Gadget Flow – nền tảng khám phá sản phẩm, cập nhật thông tin công nghệ, thiết bị. Nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các website đối thủ, họ đã lựa chọn SEO và tập trung vào chất lượng nội dung để giữ khách hàng ở lại website lâu hơn.
Kết quả cho chiến dịch lần này, website của Gadget Flow đã gia tăng lượng Organic Traffic lên đến 185% cho những lần nhấp vào video và 198% cho các nội dung báo.
1.5. Quảng cáo tìm kiếm (PPC)
Quảng cáo tìm kiếm – PPC (Pay Per Click) là một loại hình quảng cáo trả phí được xác định dựa trên những lượt click từ người sử dụng. Mô hình tiếp thị trên cho phép các doanh nghiệp tạo quảng cáo trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm hoặc những mạng xã hội.
Kỹ năng cần có: Để hoàn thành tốt các hoạt động quảng cáo tìm kiếm, bạn nên trang bị đầy đủ những kiến thức liên quan đến quảng cáo trên đa dạng các nền tảng, rèn luyện khả năng nghiên cứu và phân tích khách hàng, tiếp cận khách hàng với nội dung hấp dẫn,…
Chỉ số đo lường: Để theo dõi những chiến dịch Pay Per Click, bạn có thể đánh giá qua các chỉ số Click-Through Rate (CTR), Average Cost-Per-Click (CPC), tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate), Cost Per Acquisition,…
Case Study:
Với khả năng tăng độ nhận diện hiệu quả cho thương hiệu, PPC là một trong những hoạt động được Nike sử dụng trong chiến lược “Just Do It”. Cụ thể, doanh nghiệp đã triển khai PPC trên các nền tảng xã hội như Google, Instagram, Facebook với hình ảnh và nội dung quảng cáo hấp dẫn nhắm vào những đối tượng yêu thích thể thao.
1.6. Social Media Marketing
Social Media Marketing là phương pháp sử dụng các nền tảng social media nhằm tạo sợi dây kết nối với khách hàng để tạo dựng vị thế thương hiệu, thúc đẩy lượng truy cập. Sử dụng hình thức Social Media Marketing trong một chiến lược là tạo ra nội dung, lắng nghe, tương tác với khách hàng và phân tích, thu thập kết quả trên mạng xã hội, diễn đàn,…
Đối với các doanh nghiệp, Social Media đem lại nhiều giá trị và góp phần nâng cao hiệu quả chiến lược Marketing. Cụ thể, Social Media Marketing có thể giúp doanh nghiệp gia tăng nhận thức về thương hiệu, duy trì mối quan hệ với khách hàng, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi khách hàng nhằm tăng doanh số bán.
Kỹ năng cần có: Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ về social media, bạn nên trang bị những kỹ năng thiết yếu như kỹ năng sáng tạo nội dung, kỹ năng quản lý và thiết lập dự án, có tư duy thiết kế thẩm mỹ, tư duy nhạy bén với các xu hướng mới,…
Chỉ số đo lường: Để đánh giá hiệu quả chiến lược sử dụng social media marketing, bạn có thể theo dõi qua những chỉ số như tỷ lệ tăng trưởng khán giả (Audience Growth Rate), phạm vi tiếp cận (Reach), tỷ lệ tương tác trung bình (Average Engagement Rate), tỷ lệ nhấp chuột (Click-Through Rate), tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate),…
Case Study:
Có thể nhận thấy rõ sức mạnh của Social Media Marketing trước thành công của chiến dịch “Fanta Lênnn” từ Fanta. Trong chiến dịch lần này, Fanta đã tổ chức cuộc thi “Fanta Lênnn” trên hai nền tảng xã hội đông đảo người dùng là Facebook và TikTok. Trong đó, kênh Facebook là kênh chính, TikTok là kênh tăng tương tác. Thế mạnh của TikTok là sử dụng những video ngắn và là thế giới để cộng đồng thỏa sức sáng tạo nội dung.
Fanta đã nhanh chóng phổ biến cuộc thi trên khắp cả 2 nền tảng, thu về lượng tương tác khủng lên đến hơn 1.000.000 lượt, 20.000.000 lượt xem. Con số này đóng góp tới 34,4% media value và 88,3% buzz của toàn chiến dịch.
1.7. Mobile Marketing
Mobile Marketing là một trong những hình thức quảng cáo và tiếp thị đến khách hàng mục tiêu thông qua thiết bị di động. Những chiến lược quảng cáo sử dụng hình thức trên có khả năng tận dụng tối ưu tính năng sẵn có của thiết bị di động (SMS, GPS…) nhằm thông báo và nhận biết được vị trí để có sự phân phối quảng cáo thích hợp, đúng thời điểm.
Kỹ năng cần có: Để xây dựng một chiến lược mobile marketing hiệu quả, bạn nên trang bị các kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thu thập, nghiên cứu và phân tích dữ liệu, nắm rõ những thay đổi trên ứng dụng di động và có kiến thức chuyên môn về những chiến lược phổ biến.
Chỉ số đo lường: Nhằm đánh giá hiệu quả của việc sử dụng mobile marketing, bạn có thể theo dõi qua các chỉ tỷ lệ nhấp – CTR, tỷ lệ nhấp để cài đặt (Click to install), tỷ lệ chuyển đổi remarketing, tỷ lệ duy trì – RR,…
Case Study:
Một ví dụ nổi bật cho thấy sự thành công trong việc triển khai chiến lược Mobile Marketing có thể dễ dàng nhận thấy của Samsung. Cụ thể, vào thời điểm phát hành chiếc điện thoại Galaxy S6, doanh nghiệp đã hợp tác với công ty công nghệ InMobi nhằm thúc đẩy quảng cáo tương tác. Quảng cáo dành cho thiết bị di động nhận dạng pin theo thời gian thực tế đã được cá nhân hóa hiển thị sản phẩm, dịch vụ bằng bản demo trên chiếc điện thoại khi mức pin của người dùng gần hết. Qua đó nêu bật và thu hút người dùng trước tính năng sạc siêu nhanh của dòng điện thoại mới.
1.8. Phân tích dữ liệu (Marketing Analytics)
Trong Digital Marketing, phân tích dữ liệu là một phương pháp được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Phân tích dữ liệu trong chuyên ngành Digital Marketing (Marketing Analytics) là quá trình thu thập, đánh giá và phân tích dữ liệu thị trường, khách hàng hoặc đối thủ cạnh tranh. Mục đích của hoạt động này nhằm rút ra những thông tin có giá trị để đưa ra quyết định liên quan đến chiến lược marketing hiệu quả, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng và thị trường mục tiêu
Kỹ năng cần có: Để trở thành một nhà phân tích dữ liệu marketing, bạn nên rèn luyện khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm, công cụ phân tích, nắm rõ kiến thức về marketing, kiến thức cơ bản về lập trình và có khả năng tư duy tốt.
Chỉ số đo lường: Tùy vào từng mục đích của doanh nghiệp có thể lựa chọn ra chỉ số đo lường phù hợp. Phân tích dữ liệu marketing có thể được thực hiện qua một vài chỉ số như tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ click, sản lượng bán (Sales Volume), doanh thu đóng góp (Revenue), phân tích giỏ hàng thị trường (Market Basket Analysis),…
1.9. E-Commerce
E-Commerce trong Digital Marketing là những hoạt động nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số. Mục tiêu cuối cùng của việc sử dụng phương pháp trên là nâng cao nhận thức thương hiệu và tăng doanh số cho doanh nghiệp.
Kỹ năng cần có: Để tham gia vào những hoạt động E-Commerce, bạn nên trang bị đầy đủ khả năng tư duy về số, dữ liệu, khả năng sáng tạo đổi mới, bắt kịp xu hướng, kỹ giao tiếp tốt và đặc biệt cần có kiến thức nền tảng về marketing, thương mại,…
Chỉ số đo lường: Trong E-Commerce, các chỉ số theo dõi gồm có giá trị trung bình đơn hàng, giá trị vòng đời khách hàng, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ thoát trang, lưu lượng tìm kiếm,…
2. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Digital Marketing
Để hiểu rõ hơn về Digital Marketing, bạn có thể tham khảo chi tiết qua một số câu hỏi sau đây:
Câu 1: Digital Marketing có giống với Marketing truyền thống hay không?
Digital Marketing và Marketing truyền thống giống nhau về mục tiêu hướng đến việc thu hút khách hàng tiềm năng, quảng bá/xây dựng thương hiệu và cuối cùng là thúc đẩy doanh số bán.
Tuy nhiên, giữa hai lĩnh vực cũng có những điểm khác nhau. Cụ thể, Digital Marketing sử dụng những công cụ kỹ thuật số, tiếp cận khách hàng qua nền tảng Internet đem đến tương tác hai chiều. Trong khi đó, Marketing truyền thống tiếp cận bằng những kênh trực tiếp như tờ rơi, báo in, quảng cáo qua thư, truyền hình… mang tính tương tác một chiều.
Độc giả có thể tham khảo chi tiết hơn thông tin so sánh Digital Marketing với Marketing truyền thống
Câu 2: Có thể dùng những công cụ gì để đo lường các chỉ số trong Digital Marketing?
Để đo lường các chỉ số trong những hình thức Digital Marketing trên, ta có thể sử dụng những công cụ thông minh sau:
-
- Google Analytics: Đo lường hiệu quả Marketing, cung cấp đa dạng tính năng giúp phân tích và tối ưu hóa nội dung.
- Google Search Console: Công cụ theo dõi hiệu suất trang web, thu thập dữ liệu và cập nhật tài nguyên bổ sung, trạng thái kỹ thuật.
- Meta Business Suite: Theo dõi hiệu suất chiến dịch và đo lường hiệu quả quảng cáo trên các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, và Messenger.
- Buffer: Công cụ phân tích những bài đăng, bài chia sẻ trên mạng xã hội.
- Social Mention: Công cụ tìm kiếm kiếm và phân tích mạng xã hội dựa theo thời gian thực tế.
- Cyfe: Công cụ giám sát các website trên nhiều nền tảng mang đến cái nhìn tổng quan và mức độ hiệu quả cho chiến lược Marketing.
- …
Câu 3: Đâu là những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển trong lĩnh vực Digital Marketing?
Để trở thành một nhân sự tài năng trong lĩnh vực Digital Marketing, những kiến thức và kỹ năng sau đây là điều kiện thiết yếu giúp bạn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao:
- Kiến thức: Nắm rõ kiến thức tổng quan về Marketing (Nghiên cứu thị trường, Quản trị thương hiệu, Quản trị dự án, Hành vi khách hàng,…), có hiểu biết về các kênh và công cụ Digital, cách lập chiến lược Marketing trên Internet, cách đánh giá hiệu quả của một chiến dịch Digital Marketing,…
- Kỹ năng: Kỹ năng sáng tạo nội dung, kỹ năng quản lý chiến dịch Digital Marketing, khả năng tư duy phân tích và sáng tạo, giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả,… Ngoài ra, kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ Digital Marketing cũng là yêu cầu thiết yếu.
Trên đây là những thông tin chi tiết giải đáp cho thắc mắc “Digital Marketing bao gồm những gì?” dành cho những bạn học sinh, sinh viên trong quá trình hướng nghiệp. Nếu cần tư vấn thêm, độc giả có thể liên hệ đến số hotline 0247 7700 909 hoặc email sr@buv.edu.vn hoặc nhắn tin qua Zalo BUV để được giải đáp cụ thể về chương trình đào tạo!