6+ Vai trò của Digital Marketing đối với doanh nghiệp trong thời đại 4.0
Th9 10, 2024
09:07:44
Thời đại 4.0 với sự bùng nổ của Internet và các thiết bị thông minh đã thay đổi hoàn toàn cách thức con người tiếp cận thông tin, giải trí và mua sắm. Trong bối cảnh đó, vai trò của Digital Marketing đối với các doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Vậy cụ thể Digital Marketing có vai trò gì? Cùng khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây!
1. Tiếp cận rộng rãi và đúng nhóm khách hàng mục tiêu
Một trong những lợi thế vượt trội của Digital Marketing so với Marketing truyền thống là khả năng tiếp cận khách hàng một cách rộng rãi và chính xác thông qua các nền tảng số. Digital Marketing cho phép doanh nghiệp vươn ra thế giới, kết nối với hàng triệu khách hàng tiềm năng thông qua các nền tảng trực tuyến như website, mạng xã hội như Facebook, Tiktok, X, Instagram, email marketing hay công cụ tìm kiếm như Google,…
Chiến dịch “Share a Coke” của Coca-Cola – một “huyền thoại” trong làng Marketing toàn cầu – là ví dụ điển hình cho thành công của việc nắm bắt tâm lý khách hàng mục tiêu và tận dụng sức mạnh của mạng xã hội.
Thấu hiểu tâm lý thích chia sẻ những hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội của khách hàng trẻ. Coca-Cola đã triển khai chiến lược cá nhân hóa sản phẩm, in tên người dùng hoặc đặc điểm cá tính lên lon Coca-Cola để người dùng có tư liệu chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, thương hiệu còn xây dựng ứng dụng để người dùng có thể tạo ra chai Coca ảo và chia sẻ trên Facebook, khuyến khích hành vi lan truyền hình ảnh cá nhân hóa của khách hàng.
Kết quả là chiến dịch đã tạo ra một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ trên hơn 123 quốc gia, với hơn 18 triệu lượt nhìn thấy trên các kênh truyền thông xã hội… (Nguồn: Brands Vietnam)
“Share a Coke” đã thành công rực rỡ không chỉ nhờ ý tưởng sáng tạo mà còn nhờ việc thấu hiểu tâm lý và kích thích hành vi chia sẻ của khách hàng trên mạng xã hội. Điều này minh chứng sức mạnh to lớn của Marketing, đặc biệt là Digital Marketing trong việc kết nối thương hiệu với khách hàng và tạo dựng làn sóng lan truyền tích cực.
Không chỉ tiếp cận rộng rãi, Digital Marketing còn giúp doanh nghiệp nhắm mục tiêu chính xác đến những khách hàng thực sự quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ của mình. Nhờ các công cụ phân tích dữ liệu và xác định mục tiêu khách hàng hiện đại như Google Ads, Facebook Ads,… doanh nghiệp có thể lựa chọn đối tượng khách hàng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như độ tuổi, giới tính, sở thích, vị trí địa lý, hành vi sử dụng Internet,…
2. Xây dựng và phát triển thương hiệu hiệu quả
Digital Marketing cung cấp cho doanh nghiệp nhiều kênh tiếp cận khách hàng khác nhau, từ website, mạng xã hội, email marketing đến quảng cáo trực tuyến,… Điều này tạo ra nhiều điểm chạm với khách hàng trên môi trường số, giúp khách hàng nhận biết và ghi nhớ thương hiệu dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín của thương hiệu được xây dựng thông qua website và các kênh mạng xã hội với những nội dung và hình ảnh chất lượng, quảng cáo sáng tạo, gây ấn tượng (video, poster online, AR filter,…). Đồng thời, việc sử dụng nhiều công cụ chăm sóc khách hàng trực tuyến như chatbot, email tự động còn giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng trên môi trường số, từ đó nâng cao uy tín của thương hiệu.
Chiến dịch “Cảm ơn” nhân dịp sinh nhật 3 tuổi của BAEMIN là một ví dụ điển hình cho việc tăng tính lan tỏa và nâng cao uy tín thương hiệu thông qua Digital Marketing.
Cụ thể, BAEMIN đã sử quảng cáo trên các ứng dụng giải trí như YouTube, Spotify, Zing MP3, booking các post social từ các hot fanpage trên Facebook, đăng tải bài viết lên các trang báo điện tử,… để gửi lời tri ân đến khách hàng đã cùng đồng hành cùng BAEMIN trong suốt 3 năm. Kết quả là chiến dịch đã thu hút được nhiều sự chú ý, lan tỏa trên nhiều diễn đàn báo chí, hội nhóm, cộng đồng chuyên môn.
3. Tăng doanh số và lợi nhuận nhanh chóng
Việc tiếp cận rộng rãi và đúng nhóm khách hàng mục tiêu, xây dựng và phát triển thương hiệu hiệu quả sẽ giúp thu hút khách hàng tiềm năng, thúc đẩy chuyển đổi mua hàng và khuyến khích mua hàng lặp lại, từ đó tăng doanh số và lợi nhuận nhanh chóng.
“Với việc nhắm mục tiêu rõ ràng, khách hàng tiềm năng cụ thể, chuyển đổi và tạo doanh thu. Chính là điều mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng hệ thống Digital Marketing; có lợi thế trong việc nâng cao kết quả kinh doanh gấp 3,3 lần…” – Nguồn: Ứng dụng marketing kỹ thuật số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam – Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp
Chẳng hạn, Chiến dịch Mì Thanh Long Caty với một video quảng cáo ngắn về bài hát giới thiệu sản phẩm trên TikTok đã tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội, giúp doanh nghiệp này phủ sóng khắp nơi và tăng doanh thu gấp 612 lần, đạt 53 triệu đồng với 4.800 gói mì được bán hết chỉ trong 2 tuần trên sàn thương mại điện tử Shopee. (Nguồn: Tomorrow Marketers)
4. Dễ dàng đo lường hiệu quả của các chiến dịch Marketing tổng thể
Một trong những ưu điểm vượt trội của Digital Marketing so với Marketing truyền thống là khả năng đo lường hiệu suất một cách hiệu quả chính xác. Các hoạt động Digital giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, phân tích và đánh giá hiệu quả của các chiến dịch Marketing. Dựa trên dữ liệu đo lường được, doanh nghiệp có thể nhanh chóng điều chỉnh chiến dịch Marketing để cải thiện hiệu quả ngay trong thời gian thực cũng như rút ra bài học kinh nghiệm và nâng cấp cho các chiến dịch sau.
Ví dụ, bạn có thể dễ dàng biết được một bài viết quảng cáo trên Facebook tiếp cận được bao nhiêu người, có bao nhiêu người click vào xem, bao nhiêu người mua hàng,…
Với các hoạt động SEO hay quảng cáo Google, doanh nghiệp có thể xem được lượt truy cập vào website (traffic), số lượt click, tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate),…
5. Tối ưu chi phí Marketing về lâu dài cho doanh nghiệp
So với Marketing truyền thống, Digital Marketing mang lại hiệu quả vượt trội về mặt chi phí. Không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo, in ấn, phát tờ rơi,…, Digital Marketing còn giúp doanh nghiệp tối ưu ngân sách nhờ khả năng nhắm đúng đối tượng khách hàng, theo dõi hiệu quả chiến dịch và điều chỉnh chiến lược nhanh chóng.
“Các doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 40% khi quảng cáo trên môi trường online…” – Nguồn: Ứng dụng marketing kỹ thuật số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam – Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp
Bạn có thể so sánh hai ví dụ sau:
Marketing truyền thống:
- Bạn muốn quảng bá sản phẩm mới đến 10.000 người trong khu vực thành phố. Bạn chọn cách in tờ rơi và phát trên đường.
- Giả sử chi phí in ấn là 5.000 đồng/tờ, chi phí phát tờ rơi là 2.000 đồng/tờ, bạn sẽ phải bỏ ra 70.000.000 đồng cho chiến dịch này. Tuy nhiên, bạn không thể biết chắc chắn có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến tờ rơi và có bao nhiêu người sẽ mua hàng sau khi nhận được tờ rơi.
Digital Marketing:
- Bạn có thể nhắm mục tiêu chính xác hơn cả 10.000 người dùng có đặc điểm nhân khẩu học và sở thích phù hợp với sản phẩm của bạn bằng cách chạy quảng cáo trên Facebook hoặc Google chỉ với ngân sách thấp hơn (tùy vào thời gian chạy chiến dịch, giá thầu,…).
- Ngoài ra, các nền tảng quảng cáo trực tuyến còn cung cấp cho bạn hệ thống báo cáo chi tiết, giúp theo dõi lượt tiếp cận, lượt click, lượt chuyển đổi và tính toán chính xác chi phí mà bạn phải bỏ ra cho mỗi khách hàng tiềm năng.
Như vậy, Digital Marketing và Marketing truyền thống đều giúp các doanh nghiệp truyền thông và tiếp cận đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, Digital Marketing sẽ tối ưu hơn về chi phí và mức độ tiếp cận.
Đồng thời, doanh nghiệp có thể theo dõi và đo lường chính xác hiệu quả của từng chiến dịch, từ đó điều chỉnh chiến lược để đạt được kết quả tốt nhất cũng như tối ưu chi phí.
Hơn nữa, việc không in ấn tờ rơi, catalogue,… còn giúp doanh nghiệp góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững – một thông điệp ý nghĩa trong thời đại ngày nay.
6. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trong thời đại số, “sân chơi” kinh doanh đã chuyển dịch sang môi trường trực tuyến. Khách hàng tìm kiếm thông tin, mua sắm và giao tiếp với thương hiệu chủ yếu qua Internet. Do đó, sự hiện diện trên môi trường trực tuyến là điều bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Trong bối cảnh đó, Digital Marketing chính là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thị trường trực tuyến luôn biến động không ngừng. Với sự xuất hiện của những nền tảng mới, công nghệ mới và thói quen tiêu dùng mới, Digital Marketing cung cấp cho doanh nghiệp công cụ và chiến lược linh hoạt, giúp họ nhanh nhạy thích nghi và nắm bắt cơ hội tiếp cận khách hàng.
Bên cạnh đó, Digital Marketing cho phép doanh nghiệp cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, giúp tăng sự hài lòng và lòng trung thành. Cụ thể, bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của họ, từ đó cung cấp những nội dung và thông điệp phù hợp với từng cá nhân.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng Digital Marketing như ứng dụng chatbot tự động trả lời khách hàng 24/7 trên website, fanpage, chương trình chăm sóc khách hàng tự động qua email, tin nhắn,… đề phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tóm lại, Digital Marketing không chỉ giúp doanh nghiệp “góp mặt” trên thị trường số mà còn giúp họ “bứt phá” với năng lực cạnh tranh vượt trội.
Như vậy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Digital Marketing trong mọi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay. Để thành công trong thời đại số, các doanh nghiệp cũng như cá nhân có dự định hoặc đang làm những công việc liên quan đến kinh doanh cần nắm bắt và ứng dụng Digital Marketing một cách hiệu quả.
Nếu có nhu cầu học tập, “lĩnh hội” những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về Digital Marketing, các bạn có thể tham khảo về Chương trình Cử nhân Digital & Social Media Marketing tại BUV.
Để được tư vấn cụ thể, bạn có thể liên hệ với đội ngũ BUV qua số điện thoại 0247 7700 909 hoặc email về địa chỉ sr@buv.edu.vn, nhắn tin qua Zalo BUV ngay hôm nay!