AI có thể thực hiện 46% công việc của kế toán: Nguy cơ hay Tiềm năng?
Th8 06, 2024
10:01:32
Trước sự bùng nổ của kỷ nguyên AI (Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo), kế toán – kiểm toán là một trong những ngành chịu ảnh hưởng với nhiều thay đổi quan trọng trong tương lai. Hướng đi nào cho sinh viên trong thời đại mới là câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Kế toán – kiểm toán: Cơ hội và thách thức trong tương lai
Từ lâu, kế toán – kiểm toán vẫn là một lĩnh vực được đông đảo sinh viên lựa chọn khi bước chân vào cổng trường đại học. Trái với niềm tin rằng kế toán – kiểm toán đang trở nên bão hòa, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2023 của tổ chức GMAC (Graduate Management Admission Council) chỉ ra rằng: trong khi thế hệ Millennials quan tâm nhiều tới lĩnh vực công nghệ, gen Z ngày càng quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực kế toán – tài chính. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán vẫn được đánh giá ở mức cao.
Tuy nhiên, ngành kế toán – kiểm toán từ lâu đã được dự đoán là một trong những ngành có khả năng bị thay thế cao nhất trong kỷ nguyên số (báo cáo về triển vọng nghề nghiệp tương lai của Oxford Martin Programme on Technology and Employment – 2013). Điều này càng rõ ràng hơn khi việc sử dụng AI thay thế cho con người được phổ biến rộng rãi trong đa dạng lĩnh vực.
Chính vì vậy, sinh viên mong muốn theo đuổi kế toán – tài chính cần nắm vững bức tranh toàn ngành để có những định hướng phù hợp. Đây cũng là nội dung chính trong bài giảng “Kế toán và bối cảnh AI” của giáo sư Alan Parkison tại sự kiện do Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) và đối tác chiến lược là Đại học London (UoL) đồng tổ chức. Ông là Giám đốc Học vụ, Giáo sư chuyên ngành Giáo dục Tài chính tại trường đại học University College London (thuộc UoL) với hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy trong ngành Tài chính tại các trường đại học hàng đầu Vương Quốc Anh và làm cố vấn khoa học cho đại học Y khoa Harvard.
Theo Giáo sư Alan Parkison, sự phát triển của AI hỗ trợ đắc lực cho nhân sự ngành kế toán. AI giúp giảm thiểu thời gian và công sức trong công việc, tăng tính chính xác và hiệu quả, đưa ra những mô hình dự đoán chính xác trong lĩnh vực kế toán, kiểm soát chi phí, hoạt động công ty… Song song với lợi ích, AI cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho nhân sự ngành kế toán – kiểm toán.
“Trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện 46% công việc của kế toán khiến nhiều người lao động có nguy cơ mất việc tại Ấn Độ,” giáo sư Alan Parkison trích một nghiên cứu được thực hiện bởi Pearson vào năm 2023. Câu chuyện tại Ấn Độ nhưng đây là viễn cảnh chung của ngành trên toàn thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Số liệu tại nhiều quốc gia cho thấy nhân sự ngành kế toán cũng đang giảm dần. Kể từ năm 2019, số lượng nhân sự trong ngành kế toán đã giảm 15.9%. Không chỉ nghỉ hưu, nhiều kế toán trẻ trong độ tuổi từ 25 đến 34 cũng như nhân sự tầm trung (45-54 tuổi) cũng chuyển qua nghề khác.
Hành trang để sẵn sàng trong kỷ nguyên AI
Vẽ nên một bức tranh thực tế với cơ hội và thách thức, Giáo sư người Anh cũng phân tích những điều sinh viên cần làm để thích ứng với sự thay đổi của ngành. AI có thể thay thế nhân sự ngành kế toán trong nhiều công việc nhưng con người vẫn phải kiểm soát một số hoạt động kế toán cụ thể. Trong tương lai, con người sẽ chịu trách kiểm soát các thông tin được tạo ra bởi AI. Ở các mảng cần những đánh giá chuyên nghiệp như kiểm toán, AI cũng chưa thay thể con người.
“Robot sẽ không thể cướp công việc của những người làm kế toán,” giáo sư Alan Parkison nhấn mạnh. “Công nghệ giúp giải phóng kế toán viên khỏi những công việc chân tay thuần tuý để dành thời gian phát triển những kỹ năng cao hơn, từ đó giúp họ có thu nhập tốt hơn”.
AI và công nghệ không thể thay thế kế toán nhưng nếu các kế toán viên không chủ động nâng cao kỹ năng và kiến thức, việc phát triển xa hơn trong ngành không phải điều dễ dàng. Trong bài giảng chia sẻ tại BUV, giáo sư Alan Parkison cũng giới thiệu với các bạn sinh viên những kỹ năng mới phù hợp để thích ứng trong kỷ nguyên AI.
“Để có thể đón đầu những xu hướng trong ngành kế toán – kiểm toán, sinh viên cần trang bị cho mình những nhóm kỹ năng/phẩm chất như: Đạo đức trong nghề nghiệp, Khả năng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, khả năng sử dụng công nghệ số, trí thông minh cảm xúc, tầm nhìn…”, giáo sư Alan Parkison chia sẻ.
Như mọi ngành khác trong tương lai, sự xuất hiện của AI vừa mang đến thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho sinh viên. Không chỉ sinh viên cần thay đổi, các chương trình đào tạo cũng cần cập nhật để bắt kịp xu hướng của ngành, trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết, phù hợp nhất.
Đại học London (UoL) là một trong những trường top đầu tại Anh Quốc, là điểm đến mơ ước của nhiều sinh viên. Hiện nay, BUV là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam sở hữu chương trình học cấp bằng trực tiếp từ UoL. Các bài giảng tương tự như của giáo sư Alan Parkison trên đây có thể được tìm thấy tại các chương trình hợp tác đào tạo chất lượng cao giữa BUV và UoL, bao gồm IFP và bốn chương trình cử nhân thuộc khối ngành Quản trị và Kinh doanh bao gồm: Cử nhân Tài chính, Cử nhân Kế toán và Tài chính, Cử nhân Kinh doanh và Quản lý, Cử nhân Kinh tế và Quản lý.