Cựu sinh viên Đoàn Văn Tuấn: Nền tảng tư duy là “nguồn vốn” vô giá
Th3 13, 2024
15:00:30
10 năm sau khi tốt nghiệp, cựu sinh viên Quản trị Kinh doanh Quốc tế Đoàn Văn Tuấn đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất trong giới đầu tư tại Việt Nam. Hiện anh Tuấn là Giám đốc đầu tư Tập đoàn Nexttech và Giám đốc quỹ Next100 Ventures, chịu trách nhiệm về đầu tư và quản lý đầu tư cho tập đoàn ở Việt Nam và Mỹ.
Thời gian học tập tại BUV đã đặt nền móng tư duy cho anh Tuấn để đạt được những mục tiêu lớn trong sự nghiệp như thế nào, sẽ được chia sẻ tại bài viết dưới đây.
Câu hỏi: 10 năm sau khi tốt nghiệp, những kiến thức và kỹ năng trau dồi được từ Chương trình Quản trị Kinh doanh Quốc tế (IBM) tại BUV đã giúp Tuấn theo đuổi và thành công trên con đường sự nghiệp như thế nào?
Những kiến thức và kỹ năng mình trau dồi dược từ IBM đã giúp mình luôn ý thức được mình cần phải làm gì và làm thế nào để nắm bắt những cơ hội thực sự trong công việc cũng như là ngoài xã hội. Chương trình đã giúp mình định hướng tư duy: từ kiến thức chuyên môn như mô hình kinh doanh, học thuyết kinh tế cho đến kỹ năng phân tích, quản lý trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Nển tảng vững vàng này đã giúp mình có cái nhìn tổng quan về chiến lược kinh doanh, tài chính, marketing và con người – từ đây, có thể thấu hiểu và phần nào nhìn ra được những thiếu sót trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cũng qua đó, mình có thể đồng hành và hỗ trợ cùng những doanh nghiệp mà mình đang đầu tư xây dựng định hướng chiến lược phù hợp và quy trình quản trị tài chính một cách chặt chẽ nhất.
Câu hỏi: Là một đàn anh trong lĩnh vực đầu tư startup, anh có nhận định gì về môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam? Anh có lời khuyên gì cho các BUV-ers muốn theo đuổi môi trường khởi nghiệp?
Môi trường khởi nghiệp Việt Nam hiện nay đang thay đổi rất nhiều. Đã qua thời các doanh nghiệp startup thoải mái “đốt tiền” vì mục tiêu chạy đua theo chỉ số, doanh thu mà bỏ qua yếu tố sống còn của doanh nghiệp: lợi nhuận. Trong bối cảnh xu hướng bền vững của tương lai, doanh nghiệp bắt buộc phải tập trung vào việc tối ưu hiệu quả hoạt động kinh doanh – điều tương đối khó với các startup khi suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt, cùng với sức mua nhìn chung là giảm sút.
Do đó, nếu các BUV-ers muốn khởi nghiệp thời điểm hiện nay, lời khuyên của mình đó là các bạn cần phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn vốn: nguồn vốn cá nhân, gia đình, bạn bè hoặc angel investor. Chỉ khi vốn đủ lớn để vượt qua thời gian xây dựng sản phẩm và chứng minh model thì mới có thể dễ dàng kêu gọi các nguồn vốn từ quỹ đầu tư để tiếp tục phát triển.