[Giải đáp] Học Quản trị kinh doanh ra làm Kế toán có được không?
Th1 02, 2024
10:02:26
Hiện nay, trong chương trình học Quản trị kinh doanh thường có những môn học về Kế toán ở mức cơ bản. Chính vì vậy, nhiều sinh viên băn khoăn học Quản trị kinh doanh ra làm Kế toán có được không? Để tìm ra câu trả lời chính xác, mời bạn đọc cùng theo dõi những thông tin trong bài viết dưới đây!
1. Học Quản trị kinh doanh không thể tự do làm Kế toán
Thực tế, người học xong Quản trị kinh doanh chưa thể làm Kế toán mà cần phải học thêm văn bằng hoặc chứng chỉ nghiệp vụ Kế toán với những lý do như sau:
Theo Khoản 1 Điều 51 Luật kế toán 2015 quy định:
“1. Người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.
[…]”
Ngoài ra, trong chương trình học của ngành Quản trị kinh doanh, các môn học về Kế toán chỉ mang tính chất bao quát, nhằm giúp sinh viên hiểu về bản chất và tầm quan trọng của của kế toán trong quản lý doanh nghiệp.
Ví dụ thực tế: Trong Chương trình học Quản trị kinh doanh Quốc tế của BUV có môn Kế toán quản trị. Tuy nhiên, mục tiêu của môn học này chỉ giúp sinh viên tập trung vào bản chất của kế toán và khám phá những khái niệm cơ bản làm nền tảng cho kế toán quản trị, cũng như giúp sinh viên tìm hiểu các vấn đề về kế toán chi phí và ra quyết định, cũng như giảm thiểu chi phí và tối đa hóa doanh thu, không đi sâu vào chi tiết ứng dụng để có thể hành nghề. Vì thế sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Quốc tế không có đủ tiêu chuẩn để làm Kế toán.
Tóm lại, người tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh thường không thể làm Kế toán chuyên nghiệp, vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và kiến thức nghiệp vụ của ngành.
>>> Tìm hiểu thêm: Quản trị Kinh Doanh là gì?
Về trình độ học vấn, điều kiện tiên quyết để sĩ tử có thể theo học ngành Quản trị Kinh doanh là đã tốt nghiệp chương trình Trung học phổ thông hoặc tương đương. Đối với các điều kiện khác, mời bạn tham khảo bài viết: Điều kiện để học quản trị kinh doanh để có thêm thông tin chi tiết.
2. Điều kiện cần có để hành nghề Kế toán
Để có thể hành nghề Kế toán, cử nhân đại học hoặc người đã đi làm cần đáp ứng 3 điều kiện sau đây:
2.1. Thi thêm chứng chỉ để có chuyên môn và nghiệp vụ về Kế toán
Thi thêm bằng hoặc chứng chỉ để có chuyên môn và nghiệp vụ về Kế toán là điều kiện tiên quyết để có thể hành nghề.
Cụ thể, tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định 174/2016/NĐ-CP đã quy định về Người có chuyên môn nghiệp vụ Kế toán như sau:
- Người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán là người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc các học viện ở trong và ngoài nước;
- Người có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập;
- Người có chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật kế toán;
- Người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận.
Vì thế, để học Quản trị kinh doanh ra làm Kế toán thì sinh viên phải thi thêm văn bằng hoặc chứng chỉ Kế toán theo quy định thì mới có thể làm nghề này.
2.2. Không thuộc các trường hợp theo điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định
Bên cạnh các trường hợp thuộc Điều 52 theo Luật kế toán 2015, sinh viên cũng cần đảm bảo không thuộc các trường hợp theo Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 19. Những người không được làm kế toán
- Các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 52 Luật kế toán.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
Để có thể trở thành Kế toán viên, sinh viên cần đáp ứng những quy định như trên.
2.3. Không thuộc các trường hợp thuộc Điều 52 theo Luật kế toán 2015 quy định
Ngoài ra, nếu muốn trở thành Kế toán viên, sinh viên tốt nghiệp cần đảm bảo không thuộc các trường hợp theo điều 52 Luật kế toán 2015 quy định:
“Điều 52. Những người không được làm kế toán
- Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.”
Hiện nay để xét tuyển vào ngành Quản trị Kinh doanh, học sinh cuối cấp có rất nhiều lựa chọn về khối thi, phổ biến nhất là các khối A00, A01, C00, D01, D07 tùy theo yêu cầu xét tuyển của mỗi trường Đại học. Thông tin chi tiết về từng tổ hợp môn xét tuyển được BUV tổng hợp trong bài viết: “Học Quản trị Kinh doanh thi khối nào để xét tuyển?”
3. Cần làm gì để có thể làm Kế toán dù học trái ngành?
Để có thể đảm nhiệm vị trí Kế toán dù học trái ngành, sinh viên nên chủ động trau dồi cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng chuyên ngành:
- Nâng cao kiến thức chuyên môn về Kế toán: Bạn có thể học các khóa học, khóa đào tạo hoặc tự học để nắm vững các nghiệp vụ kế toán, sổ sách kế toán, cách lập bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, kê khai thuế,…
- Thành thạo kỹ năng tin học văn phòng: Người làm Kế toán cần nâng cao khả năng sử dụng các phần mềm tin học văn phòng như Microsoft Word và đặc biệt là Microsoft Excel. Ngoài ra, nắm vững việc sử dụng các phần mềm kế toán phổ biến như Misa hay các phần mềm khác để thực hiện công việc kế toán cũng rất cần thiết.
- Trang bị năng lực sử dụng ngoại ngữ: Bạn nên học thêm tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phổ biến khác. Điều này có thể giúp bạn cập nhật, hiểu và sử dụng tài liệu chuyên ngành nước ngoài, kết nối với cộng đồng Kế toán toàn cầu để học hỏi, trau dồi thêm chuyên môn.
- Học các chứng chỉ cần thiết về Kế toán: Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét việc học thêm các chứng chỉ chuyên môn như chứng chỉ CPA (Certified Public Accountant), chứng chỉ CFA (Certified Financial Analyst), chứng chỉ CMA (Certified Management Accountant) hoặc các chứng chỉ khác trong lĩnh vực Kế toán. Những chứng chỉ này không chỉ giúp bạn trau dồi kiến thức, kỹ năng mà còn có thể gia tăng cơ hội nghề nghiệp cũng như thăng tiến trong sự nghiệp.
Như vậy, để có thể đảm nhiệm vị trí Kế toán dù học trái ngành, bạn nên nâng cao kiến thức chuyên môn về Kế toán, thành thạo kỹ năng tin học văn phòng, trang bị năng lực sử dụng ngoại ngữ và học các chứng chỉ cần thiết về Kế toán.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Học Quản trị kinh doanh ra làm Kế toán có được không?”. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp các bạn sinh viên ngành Quản trị kinh doanh có mong muốn làm Kế toán trái ngành có thể trang bị đầy đủ nhằm đáp ứng các điều kiện trở thành Kế toán viên.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào khác hoặc quan tâm về chương trình Quản trị kinh doanh Quốc tế, Kế toán tại BUV, độc giả vui lòng liên hệ đến số hotline +84 96 662 9909 hoặc email sr@buv.edu.vn để được tư vấn cụ thể!